
Cụm từ "Mua đất" được sử dụng trong bài viết là theo thực tế sử dụng trong thực tiễn của người dân, về mặt pháp lý bản chất là "nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất".
1. Hợp đồng góp vốn mua đất là gì?
Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về hợp đồng góp vốn mua đất, song trên thực tế sự kiện góp vốn (chung tiền) cùng mua đất lại rất phổ biến và thông thường các bên cùng chung tiền này sẽ xác lập một văn bản nhằm thể hiện ý chí thống nhất về mức đóng góp và lợi ích nhận được cũng như giải quyết tranh chấp làm căn cứ chứng minh cho sự kiện hợp tác này.
Với bản chất là hợp tác cùng mua đất do đó có thể dựa trên quy định về hợp đồng hợp tác trong Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó:
Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm và hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản. (Xem Điều 504 Bộ luật dân sự 2015).
Theo quy định này có thể hiểu "Hợp đồng hợp tác mua đất" là văn bản được xác lập giữa hai hay nhiều cá nhân, pháp nhân ghi nhận sự thỏa thuận về việc cùng góp tài sản để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cụ thể, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Chủ thể của Hợp đồng góp vốn mua đất: cá nhân, tổ chức
Đối tượng của hợp đồng: Công việc mua chung đất
Tài sản góp vốn: Tài sản theo quy định pháp luật dân sự gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Hình thức: Bằng văn bản
Hợp đồng góp vốn mua đất không thuộc trường hợp phải công chứng/chứng thực theo quy định pháp luật (trừ trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất (xem căn cứ tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013).
2. Mẫu hợp đồng góp vốn mua đất
Dựa trên cơ sở quy định tại Điều 505 Bộ luật dân sự 2015 về Nội dung của hợp đồng hợp tác thì Hợp đồng góp vốn mua đất sẽ bao gồm các nội dung chủ yếu như sau: Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân của các bên góp vốn; Tài sản đóng góp; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức; Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có; Điều kiện chấm dứt hợp tác; Thời hạn hợp đồng và các điều khoản về giải quyết tranh chấp.
Vì pháp luật không quy định cụ thể về mẫu hợp đồng góp vốn mua đất, do đó, nội dung hợp đồng góp vốn mua đất cũng sẽ không cố định mà có thể linh hoạt thay đổi theo thỏa thuận của các bên tham gia. Tuy nhiên, để đảm bảo phát hiy giá trị của nó, một hợp đồng góp vốn mua đất nhất thiết phải có các thông tin sau đây:
Thông tin các bên tham gia góp vốn
Các bên tham gia là những đối tượng trực tiếp thực hiện ký kết, chịu trách nhiệm và hưởng những lợi ích từ hợp đồng góp vốn mua đất. Do đó, những thông tin về các bên tham gia phải được thể hiện rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình thực hiện và tránh rắc rối khi gặp trục trặc về hợp đồng.
Phương thức góp vốn
Mục đích của hợp đồng là ghi nhận sự thỏa thuận về việc góp vốn mua đất do đó phương thức góp vốn là nội dung quan trọng cần thỏa thuận và được ghi nhận rõ ràng trong hợp đồng góp vốn mua đất. Một số phương thức góp vốn phổ biến mua đất đó là: trực tiếp bằng tiền mặt, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng, sử dụng tài sản tương đương giá trị để thực hiện góp vốn,... Thỏa thuận rõ ràng và ghi nhận chi tiết về phương thức góp vốn là cơ sở để các bên xác định quyền và nghĩa vụ của mình để tránh những tranh chấp sau này.
Thời hạn góp vốn
Thông tin về thời hạn góp vốn phải được thể hiện rõ ràng và minh bạch để các bên tham gia góp vốn xác định rõ thời hạn cần thiết phải thực hiệng nghĩa vụ góp vốn của mình để không làm ảnh hưởng tới quá trình mua đất ở giai đoạn sau.
Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia
Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký hợp đồng là điều khoản không thể thiếu trong hợp đồng, và hợp đồng góp vốn mua đất cũng vậy. Để tránh xảy ra tranh chấp, các bên góp vốn phải thỏa thuận với nhau, thông tin quan trọng này phải được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng góp vốn mua đất. Quyền và nghĩa vụ được thỏa thuận ghi nhận rõ ràng quyết định trực tiếp đến những lợi ích cũng như trách nhiệm mà các bên phải thực hiện và được hưởng thông qua hợp đồng này.
Quy định về giải quyết tranh chấp
Trên thực tế, dù hợp đồng được xác lập giữa những người thân quen, uy tín song những rủi ro không thể loại trừ hoàn toàn, sẽ có trường hợp một trong các bên vi phạm nghĩa vụ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ dẫn hoặc không tuân thủ một trong những nội dung đã thỏa thuận dẫn đến việc thực hiện hợp đồng gặp khó khăn, gây thiệt hại, do đó, thỏa thuận về giải quyết tranh chấp là điều khoản cơ bản cần thiết phải có trong hợp đồng.
Nếu phát sinh mâu thuẫn hoặc tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên tham gia phải thỏa thuận, giải quyết trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lợi ích, quyền lợi của nhau.
Trong trường hợp không thể tự giải quyết vấn đề, một trong số các bên tham gia hợp đồng có quyền đưa đơn khởi kiện, mời luật sư để bảo vệ lợi ích của bản thân theo đúng quy định của Pháp luật. Không khuyến khích các bên sử dụng các biện pháp tiêu cực, trái pháp luật để giải quyết tranh chấp hợp đồng góp vốn mua đất. Quý khách có thể tham khảo mẫu Hợp đồng góp vốn mua đất dưới đây:
Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ về thông tin quy hoạch tại
FACEBOOK FANPAGE| ZALO OFFICAL
Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ, Viland xin cảm ơn!